13/11/18

Ngân Hàng Thế Giới - Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường


    Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương.

     Việt Nam đang chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường. Mối quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam từ năm 1993 đã góp phần đem lại những kết quả đáng ghi nhận trên.

     Tính đến tháng 8 năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp 24 tỷ US$ viện trợ không hoàn lại, vốn tín dụng và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Danh sách dự án tính đến tháng 9 năm 2018 ở Việt Nam bao gồm 46 dự án đang triển khai, 55 hoạt động hỗ trợ tư vấn và phân tích, với tổng cam kết ròng lên đến gần 9,5 tỷ US$.
     Quan hệ đối tác trong 25 năm qua giữa Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới về phát triển giao thông đường thủy nội địa ở Việt Nam đã đem lại những chuyển đổi to lớn trong lĩnh vực quan trọng này cho Việt Nam. Đầu tư vào lĩnh vực này đem lại những kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường vì đó là phương thức vận tải chi phí thấp, năng lực cao và thân thiện với môi trường. 
     Bằng nguồn vốn và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, chỉ trong vòng 4 năm, đã triển khai chương trình mầm non bán trú được cho 84% trẻ ở độ tuổi lên năm – so với 66% trong năm 2011. Chất lượng giáo dục mầm non được cải thiện nhờ chương trình nâng cao nghiệp vụ giáo dục sớm (ECE) cho nhiều giáo viên và cán bộ quản lý. Trên 2.000 giáo viên nòng cốt được đào tạo để truyền thụ lại nghiệp vụ giáo dục sớm (ECE) cho khoảng 250.000 giáo viên theo phương pháp lấy trẻ em làm trung tâm. Tỷ lệ nhập học tiểu học đạt 99% cho trẻ em đủ điều kiện, còn tỷ lệ dự học của học sinh nam và nữ cơ bản ở mức công bằng. Học sinh người dân tộc thiểu số được học theo phương pháp kèm riêng thông qua các bài học điều chỉnh theo học sinh. Về giáo dục đại học, hàng loạt chương trình đã hỗ trợ hình thành nên khung pháp lý mới nhằm nâng cao tự chủ kèm theo trách nhiệm giải trình cho các trường cao đẳng và đại học. Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ Việt Nam qua nghiên cứu về việc làm trong tương lai.
     Việt Nam đang theo đuổi những cải cách và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và xử lý nguy cơ cao về biến đổi khí hậu, đồng thời đã và đang thực hiện các biện pháp kiên quyết kể từ khi ký kết Hiệp định Pa-ri. Mối quan hệ đối tác hai bên đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện những chỉ tiêu Việt Nam đề ra về Đóng góp của Quốc gia, thông qua huy động nguồn lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ đổi mới chính sách.
     Tăng cường chính sách pháp luật nhằm xử lý những hình thức xung đột lợi ích thường gặp – như biếu xén, tận dụng quan hệ thân hữu và thông tin nội gián để trục lợi cá nhân – là cách để cải thiện liêm chính và hiệu quả của bộ máy công quyền. Báo cáo do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh gần đây đã đi sâu phân tích về những cải cách chính sách nhằm xử lý xung đột lợi ích, bao gồm cả cải cách về pháp lý.
     Các chương trình nâng cấp đô thị đã cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người nghèo ở đô thị. Ở nhiều thành phố, các khu vực thu nhập thấp đang phải chịu ngập lụt thường xuyên và điều kiện vệ sinh kém, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường. Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam, hiện đang được thực hiện ở Hải Phòng, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đang xử lý những thách thức trên, đem lại lợi ích cho khoảng 7,5 triệu người dân. Dự án cung cấp 95 triệu khoản tín dụng vi mô để cải tạo nhà ở và tạo thu nhập cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.
     Vệ sinh đô thị vẫn là một thách thức quan trọng ở nhiều thành phố .Dự án vệ sinh môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh, đem lại lợi ích trực tiếp cho 1,2 triệu người, đã giúp thành phố chuyển đổi thông qua cải thiện điều kiện vệ sinh và chống ngập. Dự án vệ sinh môi trường đô thị vùng duyên hải nhằm xử lý thoát nước, xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải, công trình quản lý chất thải rắn và chương trình tăng cường năng lực toàn diện đã và đang đem lại lợi ích cho 800.000 người dân ở Đồng Hới, Quy Nhơn và Nha Trang.

     Trồng rừng đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Từ năm 2005 đến năm 2015, trên 43.000 hộ gia đình tại sáu tỉnh miền trung Việt Nam đã được hỗ trợ kỹ thuật và tín dụng vi mô để phát triển rừng quy mô hộ nhỏ. Dự án phát triển ngành lâm nghiệp, với quy mô 76.500 ha rừng, là dự án đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở Việt Nam áp dụnh phương pháp cho vay để trồng rừng ở quy mô hộ nhỏ - là cách làm được minh chứng là bền vững hơn nhiều so với cách làm truyền thống là trợ cấp để trồng rừng.
     Các công trình vệ sinh và nước sạch đang được nhân rộng. Cấp nước đô thị cho thị xã và thị trấn đã tăng gấp đôi lên đến 60% từ năm 2006 đến năm 2009, và tăng từ 75% lên đến 95% ở các thành phố trong cùng kỳ. Tỷ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn đã tăng từ 36% lên 70% từ năm 1999 đến 2009. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ cho hoạt động phát triển này thông qua đầu tư cho vệ sinh và nước sạch nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Hồng, và thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo như Dự án thuộc chương trình toàn cầu về viện trợ theo đầu ra phối hợp với Quỹ Đông Tây Hội ngộ. Từ năm 2005 đến năm 2013, Dự án vệ sinh và nước sạch nông thôn Đồng bằng sông Hồng đã đem lại cơ hội tiếp cận nước sạch cho gần 1,3 triệu người tại bốn tỉnh thông qua cách tiếp cận dựa vào cộng đồng. Các hộ gia đình được vay vốn lãi suất thấp để xây dựng hoặc cải tạo trên 48.000 công trình vệ sinh và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp vệ sinh từ 25% lên 87%
     Năng lực dự báo và cảnh báo sớm trong quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp tiếp tục được cải thiện. Dự án quản lý rủi ro thiên tai được triển khai tại 12 tỉnh đã giúp xây dựng được 11 công trình hạ tầng lớn nhằm giảm nhẹ tác động bão lũ, như cảng tránh bão, đê sông, đường lánh nạn và trạm bơm thoát nước. Trên 210.000 người dân thôn bản tại 30 xã đã thực hiện các biện pháp công trình, bao gồm các trung tâm sơ tán đa dụng và kênh thoát nước, song song với các biện pháp phi công trình như lập kế hoạch xã an toàn và thực tập sơ tán.
     Đến nay 95% người dân đã có điện dùng. Trong mười năm qua, cứ mỗi ngày lại có thêm 9.000 người dân ở Việt Nam được kết nối điện lưới. Chỉ trong vòng năm năm, quốc gia đã nâng công suất phát điện lên gấp đôi, đạt 25.000 MW vào năm 2010. Qua Dự án năng lượng nông thôn 2, trên 2,7 triệu người tại một số vùng nghèo nhất ở Việt Nam đã có điện dùng.
      Dự án Giao thông nông thôn 3 đang giúp người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn tại 33 tỉnh, đặc biệt ở khu vực đặc biệt khó khăn miền núi phía bắc Việt Nam, nâng cao khả năng kết nối với thị trường và các dịch vụ. Đến nay, trên 90% người dân được kết nối bằng đường bộ trong mọi thời tiết. Với mức đầu tư bình quân bằng 4,5% GDP, Việt Nam đứng đầu ở châu Á về đầu tư cho hạ tầng đường bộ.
     Với tỷ lệ thương vong xe cơ giới ở mức 6,5‰ mỗi năm, tai nạn giao thông hiện là quan ngại tầm quốc gia ở Việt Nam. Để xử lý tỷ lệ tai nạn thuộc dạng cao nhất trên thế giới,  Dự án an toàn giao thông đường bộ Việt Nam đang phối hợp các ngành y tế, giáo dục, công an và quản lý đường bộ để giảm thương vong. Đến nay 95% người đi xe gắn máy đã đội mũ bảo hiểm. 
     Dự án giảm nghèo miền núi phía bắc giai đoạn 1 đã nâng cao chất lượng sống cho khu vực miền núi vùng sâu vùng xa. Sau đây là một số kết quả: trên 118.000 hộ gia đình được sử dụng nước sạch và trên 350.000 hộ gia đình được cải thiện về chăm sóc y tế. Dự án tiếp theo tiếp tục phát huy những kết quả ban đầu đó, đồng thời tăng cường phòng chống rủi ro thiên tai cho các cộng đồng, bên cạnh những sáng kiến thí điểm về dịch vụ kết nối thị trường. Kết quả là thu nhập của các hộ gia đình tham gia tăng ít nhất 10% so với mức bình quân của các xã ngoài vùng dự án. Gần 80% các tổ sản xuất cùng chung lợi ích của nông dân cho biết họ được kết nối thị trường tốt hơn và đạt năng suất cao hơn.
     Quyền đứng tên sở hữu đất đai đã tăng lên cho nữ giới. Tiếp theo thành công của hai dự án thí điểm được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đầu những năm 2000, Chính phủ đã thông qua Luật Đất đai quy định cả vợ và chồng đều cùng đứng tên trong chứng nhận sở hữu đất. Dự án quản lý đất đai Việt Nam được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đã đặt mục tiêu cấp khoảng 5 triệu chứng nhận sở hữu đất chung tên vào năm 2013.

Related Posts